Tại hội thảo về giãn tĩnh mạch chân ở BV Tim Hà Nội, PGS.TS Đinh Thị Thu Hương (nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) cho biết: bệnh giãn tĩnh mạch chân hay suy tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở phụ nữ và người lớn tuổi- do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Nhưng hiện nay, bệnh cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ và đặc biệt ở nữ giới.

Tại sao giãn tĩnh mạch chân ngày càng trẻ hóa?

Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần.

Nếu trước đây, đối tượng bị bệnh thường là người cao tuổi thì nay nhóm đối tượng của bệnh đã trẻ hóa rất nhanh, thậm chí còn gặp ở người chỉ ngoài 30 tuổi. Đặc điểm chung của những người này là làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều, thường xuyên mang giày cao gót và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều.

Thường xuyên đi giày cao gót có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch
Thường xuyên đi giày cao gót có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch

Mới đầu, người bệnh có thể thấy những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân. Khi bệnh nặng hơn, máu bị ứ trệ ở chân khiến người bệnh có cảm giác khó chịu ở chân: căng tức ở bắp chân, mỏi chân… và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu). Nặng hơn nữa thì chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da.

Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường là ở cổ chân. Bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong. Sưng, mỏi chân; nặng bắp chân; kiến bò dọc cẳng chân; chuột rút ban đêm có thể là những biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, nhiều người lại không chú tâm đến nó mà chỉ nghĩ mỏi chân vì đi cả ngày, hay do giày quá chật…

Triệu chứng thường gặp của bệnh giãn tĩnh mạch chân

Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh giãn tĩnh mạch chân trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm, triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ.

Về sau, các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da và các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn nghoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô lưỡi dơ và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng…

Suy giãn tĩnh mạch không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn mang lại những biến chứng nguy hiểm
Giãn tĩnh mạch không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn mang lại những biến chứng nguy hiểm

Lời khuyên cho người có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch chân

Khuyến khích bệnh nhân có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch chân như phụ nữ trong độ tuổi 30 – 50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Tùy vào cấp độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau: điều trị bệnh dùng thuốc hoặc phẫu thuật chích xơ, rút bỏ tĩnh mạch bị giãn, suy…

Người bệnh giãn tĩnh mạch chân cần duy trì một chế độ sinh hoạt năng động, đi bộ hằng ngày, chú ý giữ cân nặng cơ thể hợp lý, bỏ hút thuốc lá…

Hoài Anh

Call Now Button