Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý khá phổ biến. Thống kê của các nghiên cứu dịch tễ học thế giới ghi nhận, khoảng 30-40% dân số trưởng thành mắc bệnh này.
Suy giãn tĩnh mạch: điều trị càng sớm càng tốt
Bệnh suy giãn tĩnh mạch biểu hiện ở nhiều giai đoạn từ giãn nhánh mạch máu nhỏ li ti như sợi chỉ đỏ đến giãn các mạch máu to ngoằn ngoèo dưới da; từ chưa nhìn thấy tĩnh mạch giãn cho đến cẳng chân bị lở loét nặng, làm ảnh hưởng đến chức năng đi lại và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, bệnh còn có thể gây nên những cục máu đông trong lòng tĩnh mạch và theo dòng máu di chuyển về tim. Sau đó những cục máu này có thể được bơm lên động mạch phổi gây tắc động mạch phổi, trường hợp nặng có thể gây đột tử.
Do đó bệnh tĩnh mạch cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Mục đích của điều trị là cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn chặn nguy cơ từ suy tĩnh mạch nhẹ chuyển sang giai đoạn nặng cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể gây tàn phế hay ảnh hưởng đến tính mạng.
Việc xác định bệnh suy giãn tĩnh mạch đang ở giai đoạn nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó phân chia cấp độ theo biểu hiện lâm sàng là một trong những cách đánh giá quan trọng và rõ ràng, giúp các bác sĩ lựa chọn được phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
7 cấp độ bệnh suy giãn tĩnh mạch theo biểu hiện lâm sàng
Dựa theo biểu hiện lâm sàng, bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể phân thành 7 cấp độ sau đây:
Cấp độ 1: Bệnh chưa biểu hiện ra bên ngoài, không thể nhìn hay sờ thấy dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể cảm thấy chân thường xuyên bị tê, nặng, mỏi… vào buổi chiều tối.
Cấp độ 2: Tĩnh mạch giãn, tĩnh mạch mạng nhện nhỏ li ti bắt đầu nổi dưới da vùng mắt cá chân, vùng đùi…
Cấp độ 3: Tĩnh mạch giãn lớn, nổi ngoằn ngoèo giống các cuộn dây thừng dưới bề mặt da chân, đường kính các tĩnh mạch giãn trên 3mm.
Cấp độ 4: Chân bị phù và phù nhiều khi đứng nhiều, phù nhiều vào buổi chiều tối.
Cấp độ 5: Da chân bắt đầu đổi màu, cụ thể: da vùng cẳng chân sậm màu, xơ bì, sừng hóa, chân bị phù…
Cấp độ 6: Chân bắt đầu bị lở loét, đặc biệt là vùng mắt cá chân.
Cấp độ 7: Chân bị lở loét nặng, da sạm màu và phù…
Để đánh giá đúng tình trạng cụ thể, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám trực tiếp.