Trĩ và suy giãn tĩnh mạch đều là những căn bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thoạt nghe thì thấy rằng hai việc này chẳng có gì liên quan, nhưng có 1 sự thật rằng: Trĩ và suy giãn tĩnh mạch có mối quan hệ mật thiết với nhau. Những ai bị trĩ thì rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân và ngược lại. Tại sao lại như vậy?
Búi trĩ và tĩnh mạch chân đều là các tĩnh mạch, nhưng ở vị trí khác nhau
Trĩ và tĩnh mạch chi dưới thực chất đều là các tĩnh mạch. Điều khác biệt ở đây là búi tĩnh mạch trĩ nằm ở hậu môn, còn tĩnh mạch chi dưới thì nằm ở chân. Cả hai đều thuộc hệ tĩnh mạch chi dưới, và do đó khi có bất kỳ yếu tố bất lợi nào lên hệ tĩnh mạch này (ví dụ tăng áp lực lên chi dưới, thay đổi nội tiết tố,…) thì chúng đều bị ảnh hưởng
SUY GIÃN TĨNH MẠCH và TRĨ có cùng yếu tố thuận lợi gây bệnh
Suy giãn tĩnh mạch và trĩ thường xảy ra ở những người có lối sống tĩnh tại, hay những người thường xuyên đứng lâu – ngồi nhiều, ít vận động.
Do đây đều là các yếu tố thuận lợi dẫn đến hai căn bệnh trên. Việc hạn chế vận động sẽ làm giảm chức năng tuần hoàn máu, khiến máu trở về tim không được thuận lợi. Đứng lâu còn gây gia tăng các áp lực lên tĩnh mạch chân và búi tĩnh mạch trĩ. Khi đó, các tĩnh mạch này rất dễ bị suy giãn không hồi phục dẫn đến trĩ và suy giãn tĩnh mạch chân.
SUY GIÃN TĨNH MẠCH và TRĨ cùng nhóm đối tượng có nguy cơ cao
Phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ cao bị trĩ và suy giãn tĩnh mạch chi. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai và sự chèn ép của thai nhi lên hệ tĩnh mạch dưới. Điều này làm ảnh hưởng đến sự hồi lưu của máu, làm cho tĩnh mạch bị giãn rộng ra, làm tăng nguy cơ bị trĩ, các tĩnh mạch chi dưới cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Phụ nữ cho con bú cũng rất dễ bị trĩ và suy giãn tĩnh mạch bởi họ có hệ tĩnh mạch dưới đã bị ảnh hưởng trong quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, người cao tuổi và người thừa cân, béo phì cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao của hai căn bệnh này.
Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân cũng góp phần phòng ngừa nguy cơ bị trĩ
Chính vì trĩ và suy giãn tĩnh mạch chân có cùng yếu tố gây bệnh và đối tượng có nguy cơ cao nên những người bị trĩ sẽ rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân. Thậm chí có những người cùng lúc mắc cả hai bệnh này.
Do đó, nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân, thì đồng nghĩa với việc bạn cũng đang phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh trĩ và ngược lại.
Để làm được điều đó, cần chú ý:
- Không để bị táo bón bằng cách bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày, uống đủ nước, tạo thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày.
- Tập thể dục đều đặn và điều độ, đặc biệt là cho đôi chân
- Ăn các thực phẩm giàu vitamin C (cam, chanh, ổi,…)
- Sử dụng các sản phẩm thảo dược như hòe hoa, hoàng kỳ, thăng ma… để tăng sức bền và giảm tính thấm của thành mạch.