Bệnh suy giãn tĩnh mạch, nếu không được điều trị kịp thời, vùng da bị tác động có thể tiến triển thành các vết loét. Điều nguy hiểm là các vết loét này rất khó lành, và là nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, cắt cụt chi,…
Loét chân – biến chứng nguy hiểm của suy giãn tĩnh mạch chân.
Suy giãn tĩnh mạch chân tiến triển khá âm thầm với những biểu hiện ban đầu như tê bì, cảm giác kiến bò, đau nhẹ, chuột rút về ban đêm,… Các triệu chứng này phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, nhưng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng khó điều trị hơn, trong đó có loét chân không lành.
Loét chân do suy giãn tĩnh mạch thường gây ra nhiều đau đớn, khó chịu và làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh. Nguy cơ nhiễm trùng ở những vết loét này là rất cao, trong khi đó việc điều trị khá phức tạp và mất nhiều thời gian.
Tại sao suy giãn tĩnh mạch lại dẫn đến loét chân?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến loét chân không lành là thiểu dưỡng do máu kém lưu thông và ứ đọng máu lâu ngày tại vị trí bị loét.
Đầu tiên, việc máu tích tụ tại tĩnh mạch quá lâu sẽ gây nên tình trạng loạn dưỡng ở đây. Biểu hiện có thể thấy rõ là xuất hiện các vùng da bị thay đổi màu sắc, cảm giác nặng, đau nhức, phù chân. Hiện tượng này không hề mất đi khi người bệnh nghỉ ngơi, và đôi khi có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ.
Lưu thông máu ở khu vực này kém đi, oxy và dinh dưỡng đến nuôi tế bào ít đi và các tế bào bắt đầu bị chết dần gây ra loét. Vết loét thường xảy ra ở những vùng da mỏng và có tĩnh mạch giãn nhiều (ví dụ như vùng mắt cá chân).
Các vết loét này còn rất dễ bị nhiễm khuẩn (tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh,…) nếu không được điều trị và chăm sóc cẩn thận. Một khi đã bị nhiễm khuẩn thì rất khó để điều trị vì lưu thông máu kém khiến các thành phần của hệ miễn dịch không đến đây được cũng như tình trạng thiểu dưỡng làm cho các vết thương chậm hồi phục.
Việc điều trị các vết loét do suy giãn tĩnh mạch chân thường mất khá nhiều thời gian. Có thể là vài tháng hoặc thậm chí là mất nhiều năm vì tình trạng tái phát loét sau điều trị.
Làm cách nào để phòng ngừa loét chân do suy giãn tĩnh mạch?
Điều may mắn là loét chân không phải là một biến chứng phổ biến đối với các bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch. Thời gian để tiến triển từ suy giãn tĩnh mạch chi sang loét chân cũng khá dài. Do đó, người bệnh có thể phòng ngừa biến chứng này bằng cách điều trị sớm bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Việc phát hiện và điều trị sớm giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời giúp giảm thiểu bớt những đau đớn, khó chịu mà bệnh nhân phải chịu đựng và ngăn ngừa bệnh tiến triển thành các biến chứng phức tạp.
Bệnh nhân bị suy giãn nên thay đổi chế độ ăn uống – vận động lành mạnh, kết hợp với việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược giúp máu lưu thông tốt, tăng tính bền của thành mạch để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Khi xuất hiện các triệu chứng như đau nhức, căng nặng, phù, đổi màu da vùng chân, xuất hiện các vết loét,… bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được đánh giá tình trạng bệnh và có phương hướng điều trị hợp lý.