Suy tĩnh mạch là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch trên cơ thể. Phần lớn các trường hợp mắc phải xảy ra ở chi dưới (chân) do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều.
Suy giãn tĩnh mạch chân, suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng của các van tĩnh mạch, khi các van này bị suy yếu, dòng máu bị trào ngược, ứ đọng ở phần thấp của chân gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm…
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường xảy ra ở khoảng 10 – 35% người lớn. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hàng ngày, điều trị lâu dài và tốn kém nhất là khi có biến chứng.
Triệu chứng:
- Giai đoạn đầu
– Triệu chứng mờ nhạt và thoáng qua.
– Người bệnh thường có biểu hiện:
+ đau, cảm giác châm chích, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.
+ nặng chân, mỏi chân.
+ chân phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều
+ vọp bẻ, chuột rút vào buổi tối
+ tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân. - Giai đoạn tiến triển
– Phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường.
– Vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng.
– Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da. - Giai đoạn nặng
– Gây loét da cẳng chân.
– Lúc đầu loét chân có thể tự lành, sau đó bệnh tiếp tục tiến triển, các vết loét không tự lành mà có nguy cơ nhiễm trùng, điều trị rất phức tạp.
– Ngoài các dấu hiệu trên, những tĩnh mạch nông dưới da ở cẳng chân và đùi giãn to ngoằn ngoèo.
Nguyên nhân:
Có nhiều nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch chi dưới và được phân thành 4 nhóm chính:
- Áp lực đè lên tĩnh mạch
– Mang thai
– Quần bó sát
– Vận động nặng
– Ngồi lâu, đứng lâu, bắt chéo chân
– Béo phì
– Táo bón - Giảm hoặc triệt tiêu hoạt động bơm của cơ
– Phải làm việc ở tư thế đứng hoặc ngồi cả ngày
– Mang giày cao gót quá mức và thời gian dài
– Bất động chân quá lâu do bệnh tật (tai biến, chấn thương sọ não, gãy xương, đau thần kinh tọa không dám đi lại…)
– Liệt chân hoàn toàn - Giãn mạch trực tiếp
– Đồ uống có cồn
– Nước nóng, hơi nóng
– Nội tiết tố: mang thai, mãn kinh, tránh thai - Yếu tố khác:
– Tuổi tác
– Bẩm sinh
– Bệnh lý: xơ vữa động mạch, huyết khối,…
– Ung thư